BÀI GIẢNG THÁNH LỄ AN TÁNG CHA CỐ GIUSE ĐỖ VĂN THÁP

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ AN TÁNG CHA CỐ GIUSE ĐỖ VĂN THÁP
(Ngày 30.12.2011)
Tin Mừng: Ga 17, 24 - 26
Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa. “Đó là Lời Chúa”
Trọng kính Đức Cha Gp. Banmêthuột,
Kính thưa Cha Tổng Đại Diện, quý Cha Quản Hạt, quý Cha.
Kính thưa quý Bề trên, quý Tu sĩ nam nữ,
Kính thưa quý Ông bà anh chị em và quý gia đình Linh tông huyết tộc của Cha cố Giuse Đỗ Văn Tháp.
Thánh Phaolô bảo: “Anh em đừng mắc nợ ai điều gì ngoài tình thương mến” (Rm 13,8) Trong cuộc đời, chẳng ai muốn mình vướng vào nợ, vì đó là vướng vào những ràng buộc bất lợi cho bản thân. “Nợ phải trả” là lẽ công bằng, nợ vật chất còn dễ trả, nợ tình cảm thì phải đền đáp làm sao đây? Thế mà hôm nay khi cử hành Thánh lễ An táng cho cha cố Giuse Đỗ Văn Tháp chúng ta lại nói đến món nợ nghĩa tình này.
Là người có liên hệ gần gũi với ngài, con biết ngài là người đã mang trên vai món nợ này trong suốt cuộc đời. Có thể nói cuộc đời của ngài và của mọi Linh mục là “Mang công mang nợ nghĩa tình”, và cũng chính cuộc đời các ngài là cuộc đời “Ban phát nghĩa tình” cho nhân thế. Càng sống lâu năm, càng làm việc nhiều, thì món nợ này càng cao ngút ngàn. Tuy nhiên, “Món nợ nghĩa tình” khác với những món nợ kinh tế: đó là người ban phát nghĩa tình không hề đòi nợ, kẻ mang nợ lại thấy hạnh phúc không lo âu.
1. Trước hết nói Linh mục là người mang nợ nghĩa tình
Những bài hát về Linh mục thường viết những lời chan chứa hồng ân như: “Từ ngàn xưa cha đã yêu con, cha gọi con giữa muôn người”, hay “Từ muôn đời Chúa đã yêu con và còn yêu con mãi mãi”. Trong cái nhìn thánh thiêng đó, cha cố Giuse bước vào đời năm 1919 là bắt đầu đón nhận cả suối chảy hồng ân. Từ đó ngài mang nợ: nợ Thiên Chúa yêu thương một kiếp sống làm người. Và lại nợ ơn gọi Linh mục từ mãi thuở đời đời như tiên tri Giêrêmia đã cảm nhận: “Trước khi con hoài thai trong lòng mẹ, Ta đã thánh hiến con”. Hồng ân ngập tràn ấy xuống trên một gia đình bình thường tại làng quê Hướng Đạo, giáo phận Phát Diệm có 9 người con, sáu trai, ba gái. Trong đó có ba người con trai dâng mình cho Chúa. Một là Thầy Bảo chết khi còn là Tu sĩ, cha cố Giuse là hai, và cha Antôn Đỗ Văn Tài, linh mục giáo phận Banmêthuột đang hưu dưỡng là ba. Hồng ân lớn lao cho gia đình này còn nhiều hơn thế nữa là thế hệ đi sau đã có nhiều người con cháu nội ngoại làm linh mục, làm tu sĩ ở nhiều nơi.
Hạnh phúc hồng ân Thiên chức Linh mục ngài nhận vào năm 1951, khi đó ngài 32 tuổi. Ngài lại còn tiếp tục nợ Đấng đã nặng lòng gieo nghĩa tình xuống với loài người không tính toán “Thầy không gọi các con là tôi tớ, mà là bạn hữu”. Ơn gọi làm người 92 năm, và ơn gọi làm Linh mục 60 năm của Cha cố Giuse, thực sự là món nợ mà Thiên Chúa thi ân trong suốt lịch sử đời ngài. Làm sao lý giải nghĩa tình này vì: “Tôi chẳng là gì sao ngài gọi tôi, tôi chẳng là chi sao ngài gọi tôi…” Và huyền nhiệm nhất với linh mục là Người vẫn tín trung như thánh Phaolô nói với Thimothê: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín” (2 Tm 2,13).
Trong gia đình, giữa mọi người hay trong lòng Giáo Hội, Linh mục còn được xem là người con ưu tú. Từ mẹ cha, bà con họ hàng đến mọi người xa gần đều tạo những điều kiện tốt nhất cho con đường sứ vụ. Nặng tình Giáo Hội, nặng nghĩa sinh thành, nặng ân phúc nhân gian, phải chăng đó cũng là món nợ cho đời Linh mục? Trong kiếp sống nhân sinh này, vị Linh mục phải chịu ơn của rất nhiều người, vì thế trong tấm thiệp ngày thụ phong của các tân Linh mục người ta thường thấy ghi: “Xin Chúa trả công bội hậu cho những người giúp đỡ con.” Làm sao kể hết những gì cuộc sống này đã dệt nên tấm áo 60 năm đời Linh mục của cha cố Giuse. Ngài như Êlia đã nhận bánh và dầu từ tay muôn vàn bà goá thành Sarépta, chỉ vì ngài là người của Thiên Chúa. 13 năm cuối đời của cha cố Giuse Đỗ Văn Tháp rất bình yên khi được ở trong sự chăm sóc của Giáo phận, Đức Cha và các cha khác tại nhà hưu giáo phận. Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất. Có những lẩm cẩm dễ thương, có những lo lắng bối rối và có những quên lãng của tuổi già được mọi người cảm thông đón nhận và ân cần giúp đỡ. Một món nợ ân tình không thể tính nổi. Chính vì vậy một nhạc sĩ đã viết nhạc phẩm “Nợ” đầy hình tượng mà hôm nay có thể dành để nói về đời ngài:
“Ta nợ mẹ hiền, áo rách mòn vai
Ta nợ tương lai, một đời đón nhận
Ta nợ đêm dài, lời kinh sám hối
Ta nợ thiên thu, giọt lệ ngắn dài”.
Nợ tình nghĩa, đó là niềm hạnh phúc mà cho đến cuối cuộc đời khi bình yên nhắm mắt vào lúc 00h30 rạng sáng ngày 28 tháng 12 năm 2011, ngài vẫn còn ở giữa sự chăm sóc yêu thương của Đức Giám Mục và mọi người trong gia đình Giáo phận. Thật cảm động lúc những người con cháu linh tông của ngài từ xa đến, nhìn thấy trong cơn hấp hối chung quanh ngài là các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, và cả một người cháu gọi ngài là cậu ruột đang phó linh hồn cho ngài bằng những lời kinh: “Nơi thứ 12 Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá”. Ai cũng liên tưởng tới cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, người ta không thể quên hình ảnh những người phụ nữ khóc thương, những người đứng dưới chân thập giá đau khổ và những người tốt bụng chôn cất thi hài mà bốn Phúc âm đều kể đến: có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Người. Trong số đó, có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôxếp, bà mẹ các con ông Dêbêđê và cả mẹ Ngài cùng người môn đệ yêu dấu.
Như vậy giống Chúa Giêsu, cha cố Giuse cũng nợ nghĩa nợ tình cho tới giây phút cuối cùng. Ngài cứ nợ Giáo phận, nợ Đức cha, nợ anh em Linh mục, nợ sự chăm sóc ân cần tận tuỵ của các Soeurs dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình, của các chú ứng sinh, nợ cháu con linh tông, huyết tộc, nợ đến thiên thu mà trước toà Chúa ngài biết phải cầu xin thế nào mới cân xứng.
2. Nợ ân tình nhưng Linh mục còn là người gieo rắc ân tình.
Vì Đức Kitô đã dặn rõ các Linh mục phải sống cho có nghĩa tình: “Anh đã nhận nhưng không, thì phải cho đi nhưng không” (Mt 10, 8). Nghĩa tình nơi Đức Kitô là thể hiện sự bao dung cho đi tất cả, kể cả mạng sống mình. đó là chân dung vị mục tử tối cao, và cũng là khuôn mặt của vị Linh mục có đức bác ái Mục tử tràn đầy trong trái tim, có ánh mắt trìu mến nơi sứ vụ đồng hành, có tấm lòng bao dung cho những người tín hữu.
Dù cha cố Giuse không có dịp để đánh đổi sự sống mình cho người khác như cha Maximilien Kolbé, nhưng hiểu về đời ngài ta liên tưởng đến lời của cha Chevrier, một nhà đào tạo các Linh mục đã ví: “Linh mục là tấm bánh bẻ ra cho người ta ăn”. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu được ngay thời giờ, sức lực, tiền bạc,… nghĩa là những gì của cha cố và các Linh mục có đều bị người ta chiếm đoạt. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, trong cơn hấp hối, thân xác gầy guộc đó của cha cố là hình ảnh con chim Pélécan tội nghiệp, nó đã rỉa hết thịt mình cho đàn con ăn trong những ngày đông băng giá.
Cha cố muốn trả nợ Giáo Hội bằng cách quảng đại chăm sóc những ơn gọi để hôm nay có những người con làm Linh mục và Tu sĩ cho Hội Thánh, để có những Elise tiếp nối sứ vụ của bậc tiền bồi Êlia. Con số hơn 20 linh mục, và nhiều chục tu sĩ nam nữ là con, là cháu, là chắt ở khắp nơi sẽ không dừng lại con số đó, vì hậu duệ những người tin sẽ mãi mãi được chúc phúc để sinh sôi. Những cố gắng này là những hạt lúa nghĩa tình gieo xuống, và mai sau là mùa lúa chín vàng.
Cứ nhớ về những năm tháng còn làm việc mục vụ, ngài giống như người nông phu hào phóng gieo lúa trên cánh đồng mênh mông của cuộc đời. Có nhiều lúc phải trải qua những hy sinh thầm lặng, phải vượt hẳn lên khỏi bản ngã tự nhiên của kiếp người, để tìm thấy niềm vui dù ở tại những vùng đất nhiều thử thách. Thật đúng, đời linh mục cứ đi ban phát nghĩa tình, để cho nhân thế cứ nợ hoài tình nghĩa. Đời linh mục có khi quá tốt mà lại gặp những phũ phàng. Có khi ngài cố gắng thật nhiều, thế mà kết quả lại “sôi hỏng bỏng không” như Phêrô và các anh em ngày xưa đánh cá suốt đêm mà không bắt được một con cá nào. Những lúc đó ngài hiểu mọi thành công phải có từ nơi Thiên Chúa: “Những kho tàng ấy chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7-8).
Những lúc đó, có thể sẽ làm cho người ta trào lệ khi nói về đời của ngài
“Một đời lần trong đêm tối, tình yêu con nay như hao mòn. Một đời tìm trong thao thức, lòng con ngập tràn bao nỗi buồn. Chúa ơi, xin thương giữ gìn con, về đây xin dâng cả tâm hồn. Tin rằng Ngài là Thiên Chúa, bên Ngài hạnh phúc suốt đời”. (Bài hát: “Sống Trong Niềm Vui” của Nguyễn Duy)
Vâng, bây giờ thì ngài đã bắt đầu nếm hưởng hạnh phúc suốt đời bên Chúa, sau 60 năm cần mẫn phục vụ làm ý muốn của chủ mình. Người đầy tớ không chọn cho mình công việc, chỗ làm việc, và vì thế Ngài về Banmêthuột và ở lại với giáo phận trẻ trung tại Tây Nguyên này như là một duyên số. Ngài di cư vào Nam năm 1954, là một linh mục trẻ thuộc giáo phận Sài Gòn, vì thế đã từng làm phó xứ Phúc Nhạc, Gia Kiệm. Và sau được đổi lên Phước Quả, Phước Long, thì Sài Gòn chia giáo phận mới là Đàlạt năm 1960, ngài thuộc về giáo phận Đàlạt. Về làm tuyên uý tiểu khu Quảng Đức năm 1967 thì tách giáo phận mới Banmêthuột, ngài thuộc về Giáo phận này. Thế là Thọ Thành, Chi Lăng, Thuận Hiếu là những nơi ngài đi gieo rắc nghĩa tình yêu thương.
Trọng kính Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và quý Ông bà anh chị em thân mến.
Trên đây chỉ là chút suy nghĩ vốn còn nông cạn về một đời linh mục, một đời nợ nghĩa nợ tình. Hạnh phúc đời linh mục của cha cố Giuse không phải lúc nào cũng có tình để “Tiền trao cháo múc”, nhưng trên hết là nhận nhưng không và cho đi nhưng không. Đời ngài là nghĩa tình không tính toán thể hiện tấm lòng của Thiên Chúa như trong sách tiên tri Isaia:“Dù không có tiền bạc, hãy cứ đến mà mua dùng, đến mua rượu mua sữa không phải trả đồng nào” (Is 55,1). Nghĩa tình với mọi người còn làm nên những điều tuyệt diệu. Nghĩa tình này có trong lúc làm việc, như Chúa Giêsu có: “Những người theo giúp Ngài từ khi còn ở Galilêa. Nghĩa tình còn nặng cả khi chết, như Chúa Giêsu được người ta hạ xác, tẩm liệm, an táng trong mộ đã được đục sẵn vào trong đá. Nghĩa tình lớn lao đó trải dài ở những nơi mà Ngài phục vụ ngoài Bắc trong Nam, nhất là 50 năm qua thấm đẫm nơi vùng đất màu Banmêthuột… đời ngài cứ dài theo lịch sử của quê hương; từ thuở chiến tranh đến hoà bình, từ thời quốc gia đến xã hội chủ nghĩa, dù thuận tiện hay không thuận tiện, vẫn cứ một lòng thiện chí, vẫn cứ gieo rắc ân tình.
Vì thế chúng ta tin rằng ngài còn sống mãi nơi chúng ta: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với những người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã mất, và việc các ngài từ biệt chúng ta như là đi vào cõi tiêu diệt, nhưng thật ra, các ngài vẫn đang sống”. (Bài đọc l).
Đã qua rồi thời kỳ gieo rắc ân tình, bây giờ là mùa gặt để người thợ gánh những bó lúa vàng về cho chủ trữ vào kho Lời Chúa trong thánh vịnh 115 đang dành cho ngài: “Đối với Chúa thật là đắt giá, cái chết của những ai trung hiếu với Người”. Khi Đức Kitô nói về mình trong bài Tin Mừng “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” thì có lẽ ngài cũng muốn nói như vậy với cha cố Giuse: “Đã đến giờ Người tôi trung được tôn vinh, để Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”.
Xin hãy để Đấng phán xét công minh có tiếng nói cuối cùng với Ngài. Giờ đây, chúng con xin trao gửi linh hồn người cha, người thân yêu của chúng con cho lòng thương xót của Chúa, để ngài được đón nhận và vào hưởng vinh quang với chúa Giêsu mục tử như nguyện ước của Người: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con”. (Ga 17, 24). Amen.

Thông Tin Giáo Xứ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Bài Đăng Được Xem Nhiều